Tai biến mạch máu não là nhóm nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Vậy nguyên nhân tai biến là gì và làm cách nào để chủ động phòng ngừa. Lời giải cho những câu hỏi này sẽ được chia sẻ ngay trong thông tin bài viết dưới đây.
1. Nguyên nhân tai biến là gì?
1.1. Tăng huyết áp
Tăng huyết áp được xếp vào top đầu nguyên nhân tai biến. Thường xuyên tăng huyết áp sẽ khiến mạch máu trong não dễ bị tổn thương, gây vỡ hoặc tắc nghẽn. Hậu quả là tình trạng đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ xuất huyết não.
1.2. Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng các mảng bám tích tụ bên trong thành động mạch, gây hạn chế lưu thông máu tới não. Nếu mảng bám này bị vỡ có thể gây ra cục máu đông chặn hoàn toàn đường lưu thông máu đến não từ đó sinh ra tai biến.
1.3. Bệnh tim mạch
Các bệnh lý liên quan đến tim như nhồi máu cơ tim, rung nhĩ và suy tim đều có thể làm tăng nguy cơ tai biến. Nguyên nhân tai biến trong trường hợp này là do bệnh lý tim mạch ảnh hưởng đến lưu thông máu, tăng khả năng hình thành huyết khối.
1.4. Tiểu đường
Tiểu đường làm tăng nguy cơ tổn thương mạch máu và hình thành cục máu đông trong động mạch não. Đây chính là lý do khiến bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ bị tai biến cao hơn nhiều so với người bình thường.
1.5. Béo phì và lối sống ít vận động
Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường và xơ vữa động mạch, từ đó làm tăng nguy cơ bị tai biến. Bên cạnh đó, lối sống ít vận động cũng giảm khả năng tuần hoàn máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch là nguyên nhân tai biến.
1.6. Hút thuốc lá và dùng đồ uống có cồn
Hút thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên dễ gây tổn thương mạch máu. Chất nicotine trong thuốc lá khiến động mạch bị co thắt và tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Đồ uống có cồn dễ làm tăng huyết áp, khi sử dụng thường xuyên sẽ tăng nguy cơ tai biến.
1.7. Tiền sử gia đình
Nếu trong gia đình có người từng bị tai biến thì thế hệ sau sẽ tăng nguy cơ tai biến hơn người bình thường. Yếu tố di truyền có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc tai biến cho các thế hệ kế tiếp.
1.8. Stress kéo dài
Căng thẳng kéo dài làm tăng huyết áp và nhịp tim, tạo điều kiện cho các bệnh lý tim mạch phát triển. Đây là lý do góp phần tăng nguy cơ tai biến nếu không được kiểm soát kịp thời.
2. Các phương pháp giúp phòng tránh nguy cơ tai biến
Từ những nguyên nhân tai biến ở trên có thể thấy rằng cách phòng ngừa tốt nhất chính là kiểm soát các yếu tố có thể gây nên bệnh:
2.1. Ổn định huyết áp
Chỉ số huyết áp được kiểm soát ổn định sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả tai biến. Để làm được việc này, hãy đo huyết áp thường xuyên và tuân thủ các chỉ dẫn dùng thuốc của bác sĩ nếu bị bệnh cao huyết áp.
Ngoài ra, điều chỉnh chế độ ăn uống, giảm muối và duy trì lối sống lành mạnh cũng là những việc nên làm để không bị tăng huyết áp đột ngột.
2.2. Giữ cân nặng phù hợp
Người đang bị thừa cân, béo phì nên giảm cân khoa học để phòng ngừa bệnh lý tim mạch, tiểu đường - nguyên nhân tai biến. Hãy áp dụng chế độ ăn uống khoa học, ưu tiên rau củ quả, hạn chế thực phẩm có hàm lượng chất béo cao để tránh tăng cân ngoài ý muốn.
2.3. Tập thể dục đều đặn
Hoạt động thể chất không chỉ giúp giảm cân mà còn tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện tuần hoàn máu. Vì thế, để phòng ngừa tai biến, ổn định sức khỏe, hãy cố gắng duy trì ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày và tối thiểu 5 ngày/ tuần.
2.4. Kiểm soát bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường cần thực hiện đúng chỉ dẫn chăm sóc sức khỏe và dùng thuốc của bác sĩ để kiểm soát chỉ số đường huyết. Khi chỉ số này được duy trì trong ngưỡng cho phép sẽ giảm thiểu nguy cơ gây tai biến.
2.5. Tránh các yếu tố nguy cơ
- Bỏ thuốc lá
Đây là việc cần làm để giảm nguy cơ mắc tai biến. Tốt nhất bạn nên tìm các phương pháp hỗ trợ như liệu pháp thay thế nicotine hoặc tham gia các chương trình cai thuốc lá để đạt được mục tiêu này.
- Hạn chế đồ uống có cồn
Theo khuyến cáo, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu/ ngày và nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị rượu/ngày.
- Giảm căng thẳng
Căng thẳng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, dẫn đến tai biến. Để giảm thiểu căng thẳng, hãy tìm đến các hoạt động thư giãn như âm nhạc, đọc sách, hoặc tập yoga, thiền,...
2.6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các kiểm tra chuyên sâu sẽ giúp sàng lọc, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây tai biến như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch,...
Trong các lần khám sức khỏe định kỳ bạn cũng sẽ được bác sĩ hướng dẫn điều chỉnh lối sống và biện pháp phòng ngừa hiệu quả trước các nguyên nhân tai biến.
3. Hướng dẫn cấp cứu đúng cách khi gặp bệnh nhân tai biến
Trong trường hợp phát hiện, nghi ngờ người có dấu hiệu tai biến, hãy cố gắng xử trí cấp cứu đúng cách để giảm thiểu di chứng cho người bệnh:
- Gọi cấp cứu ngay lập tức
Khi phát hiện người có dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, nói khó, yếu liệt tay chân, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Thời gian là yếu tố quyết định trong việc cứu sống và giảm thiểu di chứng của tai biến.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế an toàn
Giữ bệnh nhân trong tư thế nằm nghiêng để tránh ngạt thở. Không tự ý di chuyển bệnh nhân, đặc biệt là khi nghi ngờ dấu hiệu chấn thương.
- Không tự ý cho bệnh nhân uống thuốc
Không tự ý cho người bệnh dùng thuốc trước khi được nhân viên y tế cấp cứu. Việc dùng thuốc không có chỉ định trong tình huống này rất dễ làm tình trạng bệnh thêm xấu hơn.
Biết được những nguyên nhân tai biến sẽ giúp mỗi cá nhân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tích cực, sống khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh.