Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, là một trong những bộ phận rất quan trọng của cơ thể con người. Mắt giữ vai trò thị giác, là một trong năm giác quan mà mỗi người cần phải có. Do tính chất của cuộc sống nên mắt sẽ tiếp xúc với nhiều yếu tố gây hại, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đôi mắt. Chính vì vậy, bạn đọc đừng bỏ lỡ bài viết sau đây. Bài viết sẽ hướng dẫn những cách bảo vệ mắt hiệu quả để mọi người cùng tham khảo.
1. Vì sao chúng ta cần phải bảo vệ đôi mắt?
1.1. Tầm quan trọng của đôi mắt
Một trong những giác quan vật lý quan trọng nhất và các công dụng của mắt chính là thị giác. Các giác quan chính khác, bao gồm xúc giác, vị giác và khứu giác, phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị giác. Thị giác là một trong những giác quan quan trọng nhất của bạn: 80% những gì chúng ta cảm nhận được là nhờ vào thị giác.
Ngoài chức năng thị giác thì đôi mắt cũng tượng trưng cho vẻ đẹp của một người. Đã có rất nhiều người trên thế giới thu hút người khác giới nhờ vào sử quyến rũ của đôi mắt.
Mặt khác, nhờ chức năng thị giác của đôi mắt, con người có thể:
Học tập và tiếp thu kiến thức.
Tránh được những tác động xấu, những mối nguy hại cho bản thân.
Thể hiện thái độ, cảm xúc, tình cảm.
Những biểu hiện không lời của sự quan tâm, tình yêu, tình thương,…
Khóc để thể hiện một số cảm xúc. Chẳng hạn như: Buồn, hạnh phúc, vui, sợ hãi,…
Lưu trữ hình ảnh nhất thời, phục vụ cho hoạt động pháp y, điều tra,…
1.2. Nguyên nhân mà mọi người cần phải bảo vệ đôi mắt
Cho đến hiện tại, có lẽ bạn quá quen thuộc với việc bôi kem chống nắng để bảo vệ làn da. Bạn biết tầm quan trọng của việc bảo vệ làn da của mình khỏi các tia có hại của ánh nắng mặt trời. Nhưng bạn có biết rằng việc bảo vệ đôi mắt của mình cũng quan trọng không kém?
Đôi mắt được ví như “cửa sổ tâm hồn”. Nó giúp chúng ta nhìn thấy và cảm nhận được thế giới xung quanh. Bằng cách bảo vệ đôi mắt của mình, bạn sẽ giảm nguy cơ mù lòa và mất thị lực. Đồng thời ngăn chặn hầu hết các bệnh về mắt đang phát triển như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
2. Hậu quả khi đôi mắt không được bảo vệ đúng cách
Nếu không biết cách bảo vệ mắt, mắt của bạn sẽ gặp phải những hậu quả xấu. Từ đó, thị lực của bạn sẽ bị ảnh hưởng từ ít đến nhiều. Kéo theo hệ lụy là giảm chất lượng cuộc sống đáng kể.
Những hậu quả của việc không bảo vệ đôi mắt bao gồm:
2.1. Bệnh truyền nhiễm
Nếu không biết bảo vệ đôi mắt, mắt của bạn có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm như:
Đau mắt đỏ.
Đau mắt hột.
Viêm kết mạc.
Viêm loét giác mạc.
Một số bệnh lý ít gặp khác như: Viêm màng bồ đào, viêm dây thần kinh thị giác,….
2.2. Bệnh không truyền nhiễm
Những bệnh lý không truyền nhiễm có thể xảy ra nếu không bảo vệ mắt đúng cách bao gồm:
Chấn thương mắt.
Đục thủy tinh thể.
Glaucoma góc đóng, góc mở.
Mây thịt (mộng thịt).
Ung thư mắt.
Thoái hóa điểm vàng,…
2.3. Các tật về mắt
Nếu không bảo vệ mắt đúng cách thì chúng ta có thể mắc một số tật về mắt như:
Lác mắt mắc phải.
Cận thị.
Viễn thị.
Loạn thị.
3. Cách bảo vệ mắt hiệu quả bằng công cụ bảo hộ lao động
Chúng ta cần phải sử dụng công cụ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường có nhiều yếu tố nguy cơ. Cụ thể đó chính là kính bảo hộ lao động. Mục đích là để hạn chế tối đa sự xâm nhập của những tác nhân gây hại cho mắt. Bao gồm:
Khói bụi.
Hóa chất độc hại.
Tia cực tím, tia Laser, tia hồng ngoại,…
Các mảnh vụn văng xa.
Ánh sáng chói,…
Hiện nay có hai loại kính bảo hộ mắt cơ bản. Đó chính là:
4. Cách bảo vệ mắt bằng thuốc nhỏ mắt
Cách bảo vệ mắt bằng thuốc nhỏ mắt cũng là một phương pháp khá phổ biến, được nhiều người áp dụng. Mục đích của việc nhỏ mắt là để:
Giảm tình trạng mỏi mắt.
Hạn chế khô mắt. Giúp cho mắt có độ ẩm thích hợp.
Rửa trôi bụi bẩn, vi khuẩn bám trên mắt sau một ngày làm việc.
Những thuốc nhỏ mắt có chứa chất chống viêm giúp điều trị viêm kết mạc, xốn mắt, ngứa mắt,…
Tuy nhiên, khi nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt, hoặc dùng “nước mắt nhân tạo” để chống khô mắt, chúng ta không nên quá lạm dụng. Chỉ nên nhỏ mắt một thời gian, đến khi thấy cải thiện thì ngưng. Không nên tự ý nhỏ mắt bằng các loại thuốc chưa rõ công dụng và tác dụng phụ. Nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
5. Các thực phẩm dinh dưỡng cho mắt
Nghiên cứu về bệnh mắt liên quan đến tuổi tác (AREDS) được xuất bản năm 2001. Các nhà nghiên cứu cho thấy một số chất dinh dưỡng có thể làm giảm 25% nguy cơ suy giảm sức khỏe mắt do tuổi tác. Chẳng hạn như: Kẽm, đồng, vitamin C, vitamin E, Omega 3 và beta carotene.
Theo đó, các nhà khoa học khuyến khích chúng ta nên tăng cường những thực phẩm sau đây để có một đôi mắt khỏe mạnh:
Cá có dầu như: Cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá cơm, cá trích,…
Các loại hạt và các loại đậu. Chẳng hạn như: Hạt điều, đậu phộng, đậu lăng,…
Hạt giàu Omega 3 như: Hạt chia, hạt lanh.
Trái cây họ cam như: Cam, quýt, bưởi, tắc,…
Rau xanh như: Rau bina, cải xanh, bù ngót,…
Củ cà rốt giàu beta caroten.
Khoai lang.
Thịt bò.
Sữa tươi.
Trứng gà.
6. Những thói quen tốt cho mắt
Đây là một trong những phương pháp bảo vệ mắt rất khoa học và cần được chú ý. Những thói quen tốt không những giúp đôi mắt sáng khỏe mà còn hạn chế được những tật về mắt.
Những thói quen tốt bao gồm:
Rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt.
Mang kính bảo hộ khi làm việc trong những môi trường có yếu tố nguy cơ.
Đọc sách ở những nơi có đầy đủ ánh sáng.
Mang kính mát khi đi dưới trời nắng.
Cho đôi mắt nghỉ ngơi sau khoảng 1 đến 2 giờ làm việc với máy vi tính.
Ăn uống những thực phẩm giàu vitamin A, E, Omega 3.
7. Bảo vệ mắt bằng việc khám mắt định kỳ
Việc khám mắt định kỳ sẽ giúp các bác sĩ phát hiện sớm những bệnh lý về mắt. Từ đó, bạn sẽ được điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả đáng tiếc.
Trẻ em từ 3 tuổi trở xuống: Bố mẹ nên kiểm tra tật mắt lé (lác mắt), nhược thị, cận thị bẩm sinh. Khám tầm soát cần được tiến hành để loại trừ các bệnh hiếm gặp ở trẻ. Chẳng hạn như đục thủy tinh thể bẩm sinh, u nguyên bào võng mạc.
Tuổi vị thành niên: Các bạn nên khám mắt định kỳ mỗi 1 – 2 năm trong những lần kiểm tra sức khỏe tổng quát. Hoặc khi đi đo kính mắt đối với những bạn mắc tật khúc xạ.
Người lớn: Khi đã lớn tuổi, các bệnh về mắt do tình trạng lão hóa có thể dễ dàng xảy ra. Vì vậy, để theo dõi quá trình thị giác thay đổi, bạn nên đi khám mắt tổng quát năm 40 tuổi. Đồng thời nhờ các bác sĩ chuyên khoa hẹn lịch tái khám định kỳ sau đó.
8. Bảo vệ mắt bằng những bài tập
Một số bài tập có tác dụng giúp thư giãn đôi mắt. Nhờ đó, mắt bạn sẽ đỡ bị mỏi, đồng thời hồi phục thị lực sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng. Các bài tập điển hình bao gồm:
8.1. Sử dụng lòng bàn tay
Đảm bảo rằng bạn đang ngồi thoải mái, đặt tay trên mặt phẳng, nhắm mắt và sau đó đặt lòng bàn tay lên trên mắt. Nó sẽ hoàn toàn tối. Bây giờ hít thở chậm và có chủ ý vào và ra trong một hoặc hai phút. Sau khi thực hiện xong, hãy từ từ bỏ tay ra và mở mắt lại.
8.2. Bài tập bốn hướng
Ngồi thoải mái trên ghế đẩu và giữ thẳng đầu. Sau đó, nhìn xa hết mức có thể theo cả bốn hướng trong hai hoặc ba giây mỗi hướng: lên, xuống, sang trái rồi sang phải. Lặp lại ba lần. Quan trọng: chỉ di chuyển mắt, không di chuyển đầu.
8.3. Massage hốc mắt
Mát xa nhẹ nhàng rất thư giãn cho mắt. Sử dụng các đầu ngón tay cái, xoa bóp vùng bên dưới lông mày – từ đỉnh mũi đến rìa mí mắt – theo chuyển động tròn.
8.4. Bài tập thư giãn mắt
Ngồi thẳng và duỗi một tay ra trước mũi với ngón cái hướng lên trên. Bây giờ hãy chọn năm đồ vật: đầu mũi, cánh tay dang ra, ngón tay cái và hai đồ vật khác trong phòng ở xa hơn.
Lần lượt nhìn vào từng đối tượng, dừng lại nhìn vào từng đối tượng trong vài nhịp thở. Cuối cùng, sử dụng cả hai mắt và để ánh mắt lướt qua chóp mũi, cánh tay, ngón tay cái và hai đối tượng, kết thúc bằng cách nhìn vào khoảng cách.
8.5. Bài tập bướm
Hướng về phía trước, đầu thẳng và thư giãn cơ mặt và hàm dưới. Sau đó mở và đóng cả hai mí mắt tối đa 20 lần. Giữ cho các cơ của bạn luôn được thư giãn. Chú ý là mí mắt của bạn phải di chuyển nhẹ nhàng và dễ dàng, giống như cánh của một con bướm.
9. Bảo vệ mắt bằng việc điều trị những bệnh lý về mắt
Những bệnh lý về mắt nếu không được điều trị thích hợp sẽ gây ra nhiều hậu quả phức tạp. Thậm chí là mù lòa vĩnh viễn. Chính vì vậy, khi phát hiện những bất thường về mắt, bạn nên đi khám ngay. Mục đích là để được các bác sĩ chuyên khoa mắt điều trị kịp thời.
Một số bất thường về mắt phổ biến như:
Đau mắt.
Đỏ mắt.
Loét mắt.
Nhìn mờ, giảm thị lực.
Sụp mi.
Nhìn đôi.
Xốn cộm ở mắt,…
10. Bảo vệ mắt cho trẻ em
Những biện pháp bảo vệ mắt cho trẻ em bao gồm:
Mang kính chống nắng cho trẻ.
Dạy trẻ hình thành những thói quen tốt cho mắt. Chẳng hạn như đọc sách ở nơi có đầy đủ ánh sáng, không dụi mắt thường xuyên,…
Cho trẻ ăn những thức ăn dinh dưỡng tốt cho mắt.
Đưa trẻ đi khám mắt khi có những dấu hiệu bất thường.
11. Bảo vệ mắt lúc về già
Những biện pháp giúp bảo vệ đôi mắt lúc về già bao gồm:
Tìm hiểu xem bạn có nguy cơ mắc các bệnh lý gì về mắt hay không.
Kiểm tra mắt định kỳ mỗi 2 năm.
Chú ý những dấu hiệu về sự thay đổi của thị lực.
Tập thể dục thường xuyên.
Đeo kính râm khi đi ra nắng để bảo vệ mắt khỏi tia cực tím.
Không nên hút thuốc lá.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ biết thêm những thông tin cần thiết về cách bảo vệ mắt hiệu quả. Từ đó, các bạn sẽ biết cách gìn giữ sức khỏe cho đôi mắt của mình. Mục đích là để có một cuộc sống luôn vui vẻ, hạnh phúc, công việc luôn thuận lợi, thành công nhờ một đôi mắt sáng khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang/youmed