Nọc độc kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần rắn hổ
Chị Minh Hương (ở Hà Nội) bỗng dưng thấy hơi ngứa và có nốt đỏ trên vai, tưởng bị con gì đốt nên dùng dầu tràm xoa. Hôm sau vết mẩn rộng và cộm hơn, chị nghĩ bị giời leo bèn lấy gạo nếp, đậu xanh nhai kỹ rồi đắp vào. Nhưng hôm sau nữa thì vết mẩn có nước, đau nhức, bỏng rát gia tăng, kèm ngây ngấy sốt, rất khó chịu... ra hiệu thuốc, dược sĩ bảo là phải bôi hồ nước, kèm một loại kem, không phải uống thuốc. Bôi được hai ngày thì vết tổn thương phồng to hơn, chuyển thành màu tím đen, còn làm da xung quanh đỏ theo thành quầng lớn, đau rát… Chị Minh Hương hốt hoảng đi viện khám, bác sĩ cho biết chị bị như vậy là do kiến ba khoang đốt.
Theo BS Duy Anh (Bệnh viện E, Hà Nội), nhiều người dính độc kiến ba khoang đã tự điều trị ở nhà vì nhầm lẫn là bị giời leo, zona thần kinh và dùng gạo nếp, đậu xanh nhai nhỏ đắp vào, hoặc ra hiệu thuốc nghe tư vấn mua thuốc. Tới khi vùng tổn thương lan tỏa, nổi mụn, nổi mủ đau đớn, khó chịu mới vào viện. Có người vào viện do đã bôi nhiều thuốc kem điều trị nhiễm virus herpes tới loét da, tổn thương da sâu, khiến việc điều trị lâu hơn.
Theo Cục Y tế dự phòng, kiến ba khoang còn gọi là kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp… là côn trùng có khoang xen kẽ màu đen - vàng cam, mình thon, dài như hạt thóc, có chứa độc tố pederin - độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ. Tuy độc tính cao, nhưng tiếp xúc lượng nhỏ ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Chất tiết kiến ba khoang tiếp xúc với da người gây nên hiện tượng bỏng sinh học, bỏng rát, khó chịu… Nếu sờ, xoa, gãi vết thương sẽ gây bợt da, trầy loét, tổn thương sâu rộng hơn, chưa kể bụi bẩn, vi khuẩn từ bàn tay làm vết thương hở bị nhiễm trùng, lâu dài có thể nhiễm trùng toàn thân rất nguy hiểm. Nhiều người để bị tổn thương nặng, thậm chí dùng mẹo chữa bỏng, thuốc chữa bỏng khiến vết thương nặng, loét thêm, có thể để lại sẹo.
Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào mùa thu, khi mưa gió, độ ẩm cao, rất thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào nhà, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn…
Cách phân biệt tổn thương do kiến ba khoang với zona, giời leo
Trong kiến ba khoang có chất pederine, có thể gây cháy, bỏng da (như chất cangtadin của sâu ban miêu, chất phospho của giời leo). Chất dịch trong bụng kiến ba khoang khi chúng bò trên cơ thể là vùng da bị kích ứng râm ran, rồi rát đỏ, tiến triển thành bỏng rát, mụn nước phồng rộp…
Giai đoạn dễ nhầm với zona, giời leo, thủy đậu, hay các mụn virus khác là đầu tiên vết thương như vệt xước nhỏ, sau 2-6 giờ thì sẽ xuất hiện các đám, vết màu đỏ, hơi nề thành vệt, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4 mm. Sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm, sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ. Tổn thương do kiến ba khoang có bờ viền, sau biến sắc màu tím hồng, tím đen. Có thể phân biệt như sau:
Bệnh zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, dấu hiệu báo trước là đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn, tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.
Tổn thương do chất tiết của kiến ba khoang đầu tiên râm ran, sau 3-6 giờ xuất hiện vết đỏ. Sau 6-8 giờ xuất hiện rát đỏ thành đám, vệt, nền hơi cộm. Sau 12-24 giờ xuất hiện thương tổn cơ bản rát đỏ thành, trên có mụn nước/ hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Thương tổn nặng hơn khi ngứa gãi quệt ra vùng da lành, vùng nếp gấp, khiến bệnh nhân rát bỏng tại chỗ, có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận…. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng để lại vết thâm lâu mất.
Cách sơ cứu
Theo ThS. BS Hoàng Văn Hội, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng (Huế), kiến ba khoang không đốt để truyền nọc độc, mà bò lên người, nếu lỡ đập, di, giết, hay vô tình đè phải thì nọc độc từ đuôi/bụng kiến mới tiếp xúc trực tiếp và gây nhiễm độc cho da. Tổn thương hay gặp ở đầu, mặt, cổ, tay, chân, hông, lưng… đặc biệt tổn thương nặng và lan rộng ở vùng da mềm. Nếu sờ, xoa, gãi thì bàn tay chứa bụi bẩn, vi khuẩn sẽ gây hại cho những vết thương hở, có thể dẫn tới nhiễm trùng da.
Trẻ em dễ bị tổn thương sâu, lan rộng, mưng mủ vì không kiêng gãi và không bôi thuốc đúng cách. Đặc biệt nguy hiểm khi tổn thương ở vùng da, bộ phận nhạy cảm như cổ, mặt, mắt, cánh tay… thậm chí tạo mủ. Vì vậy, cần đưa trẻ đi khám sớm để được bác sĩ điều trị sớm bằng kháng sinh để không bị nổi mủ, nhiễm trùng.
Bác sĩ Duy Anh hướng dẫn, khi da xuất hiện các vết ban đỏ, lấm tấm mụn nước hãy dùng ngay nước muối sinh lí, nước muối loãng, xà phòng... rửa nhẹ ngày 3-4 lần để trung hòa chất tiết của côn trùng. Sau đó dùng bông lau khô. Dùng hồ nước bôi vào vết thương 5-7 lần/ngày, để hạn chế độc tố ăn sâu và lây lan. Có thể bôi chồng lên không cần rửa lại. Chú ý theo dõi để báo với bác sĩ da liễu biểu hiện khi cần.
Tránh bôi các loại kem thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ, bởi một số người bôi kem thuốc đã làm bít tổn thương, khiến lâu khô và bỏng rát lâu hơn.
Cần sớm đi khám bác sĩ da liễu ngay nếu tổn thương lan rộng, gây sốt, khó chịu… để được khám và kê đơn thuốc giảm đau, chống phù nề, chống dị ứng, kháng histamine tại chỗ… tùy tình trạng tổn thương, tránh nhiễm trùng, và phải dùng thuốc đúng y lệnh. Nếu điều trị đúng thì sau 5-6 ngày tổn thương có thể lành.
Theo Uyển Hương (Gia đình & Xã hội)(eva.vn)