Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 100.000 trẻ được tiêm vắc xin ComBe Five (loại thay thế vắc xin Quinvaxem) trên cả nước. Theo ghi nhận của ngành y tế đã có tỷ lệ nhất định trẻ gặp phản ứng sau tiêm, trong đó ghi nhận 3 trường hợp tử vong sau tiêm loại vắc xin này.
Để tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng, chiều ngày 16/1, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 700 điểm cầu của 63 tỉnh thành trên cả nước về vấn đề này.
Tại hội nghị, Bộ trường Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tiêm chủng là trực tiếp gây ra miễn dịch chủ động, đưa vào cơ thể con người một lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể sinh ra lượng kháng thể. Trẻ đã được tiêm chủng khi gặp virus sẽ có sẵn kháng thể để chống lại bệnh tật.
Vắc xin ComBe Five vừa được đưa vào tiêm chủng mở rộng thay thế vắc xin Quinvaxem.
Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho rằng, tiêm chủng là cách gây ra miễn dịch chủ động. Trong quá trình kháng nguyên sinh ra kháng thể bao giờ cũng xảy ra phản ứng, nhẹ thì sốt, nặng thì có thể gây co giật, khó thở... Riêng đối với loại vắc xin toàn tế bào như Quinvaxem trước đây hay vắc xin ComBe Five còn khiến trẻ bị đau, sưng đỏ chỗ tiêm.
Nói về những phản ứng sau tiêm vắc xin ở trẻ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Nếu trẻ tiêm chủng mà không có các phản ứng sốt thì không tốt. Như vậy có nghĩa kháng nguyên hoạt động không tốt, không sinh ra đủ kháng thể để chống lại bệnh tật.
Trẻ càng khỏe mạnh, bụ bẫm có thể càng gặp sốt cao sau tiêm chủng. Trẻ yếu bệnh thì có thể lại sốt nhẹ hoặc không sốt, như vậy hiệu quả kháng bệnh cũng không cao”.
Không chỉ vắc xin ComBe Five mà tất cả các loại vắc xin khác hay bất kể loại thuốc nào khi vào cơ thể đều có khả năng xảy ra phản ứng, phản vệ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, nếu không tiêm chắc chắn trẻ sẽ mắc bệnh, lúc đó, nguy cơ tử vong còn cao hơn, tốn kém về kinh tế, chưa kể trẻ sẽ sống ốm yếu, sức khỏe bị ảnh hưởng.
Trẻ tiêm vắc xin nào cũng có tỉ lệ phản ứng nhất định.
Đối với những trường hợp trẻ tử vong sau tiêm vắc xin, Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng không thể loại trừ những trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 20-30 trẻ tử vong do mọi nguyên nhân, từ viêm phổi, nằm nghiêng nghẹt thở, suy hô hấp… nên không loại trừ có thể ngẫu nhiên trùng hợp trẻ vừa tiêm chủng xong nên nghĩ trẻ tử vong do tiêm vắc xin.
Một nguyên nhân khác là do gia đình không đưa cháu đến viện kịp thời. Nguyên nhân sâu xa khác là xa quá, đưa đến viện thì cháu mất rồi.
Bởi vậy, sau khi tiêm vắc xin thấy trẻ có bất kể biểu hiện bất thường nào gia đình cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám hoặc cấp cứu kịp thời. Theo đó, sau khi tiêm chủng nếu trẻ có 9 dấu hiệu cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế:
- Sốt cao trên 39 độ C, khó đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt kéo dài trên 24 giờ, sốt xuất hiện sau 12 giờ tiêm chủng.
- Quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê.
- Co giật
- Nôn chớ, bú kém, bỏ bú.
- Phát ban.
- Thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, thở ậm ạch, tím môi và chi
- Chi lạnh, da nổi vân tím.
- Hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.
Theo Lê Phương (Khám phá)(eva.vn)